Bài phát biểu của Quyền bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là nguồn cảm hứng để FPT tiếp tục dấn thân vào con đường tiên phong trong những năm sắp tới.
“FPT đi qua chặng đường 30 năm. Nhiều người nói chặng đường ngắn. Với một đời người thì đúng nhưng với một doanh nghiệp thì không.
Nhiều doanh nghiệp thành công hơn FPT nhưng đã không có tuổi 30. Điều gì đã giúp FPT liên tục phát triển 30 năm qua. Có phải là những giá trị ban đầu của 13 người đầu tiên, của những ngày đầu tiên đã không thay đổi trong suốt 30 năm qua? Các doanh nghiệp vĩ đại có khả năng tái sinh nhưng những giá trị ban đầu thì không thay đổi”.
Đó là phần mở đầu trong bài phát biểu của Quyền bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ kỷ niệm 30 thành lập FPT ngày 12/9. Chia sẻ với VnExpress, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định ông đồng cảm sâu sắc với những giá trị mà quyền bộ trưởng đã nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập của FPT. |
– “Tôi tin rằng những người đầu tiên của FPT cách đây 30 năm trong tay không có gì ngoài giấc mơ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói như thế trong bài phát biểu nhân dịp sinh nhật 30 năm của FPT. Ông có cảm xúc gì khi nghe những điều gợi nhắc lại con đường đã qua?
– Thực sự tôi rất xúc động. Những câu nói này của Bộ trưởng gợi lại cả một hành trình rất dài mà FPT đã đi, như một cuốn phim hồi tưởng trọn vẹn hành trình 30 năm qua trong tâm trí trong một thoáng chốc. Quả thật, khi nhớ lại ngày đầu gian khổ thành lập, đến tìm đường vươn ra thế giới, chúng tôi không bao giờ quên những thời khắc khó khăn trăm bề khi vừa đi vừa dò đường, khi thất bại rồi đứng dậy mà không ai hay biết.
Những lời đó là nguồn động viên lớn với ba vạn người FPT, là sự ghi nhận, cổ vũ cho toàn bộ chúng tôi trong hành trình 30 năm mở lối tiên phong.
– Giấc mơ không thay đổi để FPT tồn tại đến ngày hôm nay, theo ông là giấc mơ gì?
– Giấc mơ khẳng định trí tuệ Việt Nam với thế giới. Giấc mơ đó đã dẫn lối FPT vào năm 1998 khi chúng tôi dấn thân tiên phong xuất khẩu phần mềm. Đây được xem là sứ mệnh mở rộng bờ cõi trí tuệ của đất nước, ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới. Và sự thực chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ đó.
Ngày nay, đội ngũ tinh nhuệ chinh chiến thị trường quốc tế của FPT có 15.000 người, trong đó có hơn 1.400 chuyên gia quốc tế, hiện diện tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh số xuất khẩu phần mềm năm 2018 của FPT ước đạt 365 triệu USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và tôi tin thành công của FPT là nguồn cảm hứng, động viên các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng vươn ra toàn cầu, lôi kéo hàng trăm nghìn người tham gia xuất khẩu phần mềm. Ngày nay, tổng doanh thu từ xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, tăng trường 13% mỗi năm.
Việt Nam giờ đây trở thành một trong những điểm đến mong muốn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản, là một trong 6 điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu 2017 tại Châu Á – Thái Bình Dương (theo Gartner). Đứng vị trí thứ 6 trong Bảng xếp hạng các điểm đến cung cấp dịch vụ trên toàn cầu 2017 (theo A.T Kearney), đứng thứ 3/139 nước về khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT (theo WEF).
Chúng ta có thể khẳng định Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu.
– Bộ trưởng cũng nói về sứ mệnh phụng sự quốc gia của FPT. Ông có thể nói gì về điều này?
– Ngay từ những ngày đầu viết ra sứ mệnh của mình, FPT đã mong muốn nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia. Đây là kim chỉ nam trong các hoạt động của Tập đoàn và chúng tôi đã đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trong suốt 30 năm qua.
Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành trong khát vọng mới của đất nước: đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin, về xuất khẩu phần mềm.
Nếu ước mơ trước đây là Việt Nam có tên trên bản đồ, nay là phải nằm trong nhóm các nước hàng đầu. Để làm được điều đó, ngành XKPM trong 10 năm tới phải tăng gấp 10 lần quy mô hiện nay, tức là đạt doanh thu 30 tỷ USD với 100.000 doanh nghiệp phần mềm, đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP. Đội ngũ lập trình viên sẽ đạt con số một triệu người và tạo công việc gián tiếp cho hơn 3 triệu người. Việt Nam khi đó sẽ có năng lực làm chủ công nghệ, trở thành trung tâm công nghệ của thế giới.
Sứ mệnh của FPT là tích cực thúc đẩy để mục tiêu đó thành hiện thực.
– Bộ trưởng nhiều lần dùng từ “tái sinh” trong bài phát biểu. “Tái sinh” đối với FPT được hiểu như thế nào?
– Tôi luôn tin rằng sống bằng thành công là bắt đầu chết. Những gì chúng ta làm hôm nay khi chúng ta đã có những thành quả nhất định, phải hiểu một nghĩa nào đó là chúng ta đang đi xuống. Do đó, tái sinh là một từ vô cùng chính xác mà Bộ trưởng đã gọi tên, là yêu cầu với FPT trong thời đại mới.
Chúng tôi nhắc đến những thành công trong dịp kỷ niệm 30 năm. Nhưng thực tế chúng tôi phải quên đi những câu chuyện này để chuẩn bị tái sinh, cho những ước mơ còn lớn hơn nữa, nhận về mình những thách thức lớn hơn, giải những bài toán của đất nước như Bộ trưởng đã nhắc đến. FPT đã đủ lớn để làm những việc không ai làm. Và đúng là khát vọng mới của đất nước sẽ tái sinh FPT, bởi thách thức còn lớn hơn nhiều.
Để biến hiện thực ước mơ Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin khó như thế nào có thể lấy Ấn Độ là cường quốc để so sánh. Năm 2017, nước này có doanh thu từ phần mềm đạt 117 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP, tăng trưởng 13% mỗi năm. Đội quân lập trình khoảng 2,8 triệu người, tạo ra công ăn việc làm gián tiếp cho 8,9 triệu người.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có doanh thu từ xuất khẩu phần mềm 3,1 tỷ USD, chiếm 1,3% GDP, tăng trưởng cũng 13% mỗi năm. Năm 2018, ngành tạo ra công ăn việc làm trực tiếp cho 350.000 lập trình viên, gián tiếp cho một triệu người.
Chủ tịch Trương Gia Bình: FPT cần tái sinh để ngày càng lớn mạnh. |
– FPT sẽ làm gì để tái sinh một lần nữa, thưa ông?
– Chúng tôi đặt ra sứ mệnh tiếp theo là tiên phong chuyển đổi số.
Cơ hội này trước hết là mở ra một hướng mũi nhọn có giá trị hàng chục tỷ đô la Mỹ cho Việt Nam. Người ta nói đây là thời đại của Internet of Things, đối với FPT đây còn là thời đại Internet của các công ty, tổ chức. Bởi xét cho cùng, thế giới này là thế giới của sản xuất, dịch vụ, của ngân hàng, của hàng không… Đây sẽ là thị trường lớn nhất của chuyển đổi số.
FPT đã và đang tiên phong khai phá những thị trường chuyển đổi số này, đứng cùng sân với những công ty lẫy lừng thế giới và hợp tác cùng họ. Với chiến lược đó, FPT có thể một lần nữa mở rộng thị trường công nghiệp phần mềm và đóng góp tỷ đô cho nền công nghiệp mũi nhọn này. Mục tiêu 10 năm tới của chúng tôi là có hơn 200.000 kỹ sư phần mềm, tạo ra công ăn việc làm gián tiếp cho 650.000 người. Trong đó, Đại học FPT với mục tiêu trở thành một siêu Đại học (Mega University) sẽ đào tạo 150.000 sinh viên đến năm 2020 và là đơn vị tiên phong đào tạo nguồn nhân lực số cho cả nước.
FPT sẽ cung cấp giải pháp cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh để thêm nhiều triệu người được hưởng lợi đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước.
Ước mơ của những ngày đầu là mở mang bờ cõi, thì ước mơ của thời đại mới sẽ là trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số.
– Nhiều người sẽ đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch này, ông sẽ nói điều gì với họ?
– Tại cuộc họp giao ban đầu tiên được dự với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tôi vẫn ấn tượng với một câu nói của ông, đó là “Uớc mơ vĩ đại sẽ làm nên một dân tộc vĩ đại”.
Ước mơ trở thành cường quốc về công nghệ thông tin, đó là ước mơ từ tâm huyết của cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam.
Tôi tin rằng một dân tộc từng dùng máu của mình chiến thắng cường quốc và giành độc lập tự do thì thế hệ ngày nay không có lý do gì không thực hiện được khát vọng phồn vinh cho dân tộc. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, đây là cơ hội to lớn để thưc hiện khát vọng đó. Đây là lúc chúng ta phải hành động.
Chung niềm tin với Bộ trưởng, tôi tin rằng Việt Nam vào năm 2045, sau 100 năm độc lập sẽ đứng ngang hàng cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới.
Thành Phạm