Một trong những yếu tố dẫn tới thành công trong công việc, kinh doanh là phải đưa ra những phán quyết và quyết đoán đúng, chính xác. Câu chuyện về chú dê là một ví dụ.
Chuyện kể rằng, trang trại nọ có một chú dê. Một buổi sáng đẹp trời, chú dạo quanh vườn và phát hiện một luống rau cải mới xanh mơn mởn ở góc xa, sau lớp rào chắn. Chú lượn qua lượn lại tìm cách vươn mình với tới những ngọn rau.
Đang loay hoay, bỗng mặt trời ló dạng đằng đông, chú dê chợt nhìn xuống thấy bóng mình trải dài dưới đất, thầm nghĩ “ôi, mình cao lớn thế này ư? Thế tại sao mình cứ phải cố với những ngọn rau này? Trên ngọn đồi đằng xa kia có cả một vườn táo với những quả trĩu nặng, ửng hồng, mình phải qua đó mới được!”.
Nghĩ vậy, chú dê hăm hở chạy đến quả đồi đằng xa. Khi đến nơi, mặt trời đã lên khá cao, chú dê bất chợt nhìn xuống và thấy một cái bóng nhỏ sát chân chú. Buồn bã, chú nghĩ “ôi, thì ra mình bé nhỏ thế này thôi! Thế thì làm sao mình với tới những quả táo trên kia, thôi đành về vườn nhà ăn những ngọn cải kia vậy!”.
Chú dê buồn bã quay về khi mặt trời đã xuống phía tây. Đến vườn, cái bóng của chú lại trải dài trước mắt, chú lại thốt lên “ôi, sao mình lại trở về đây nhỉ? Mình to lớn thế này sao lại phải cố ăn những ngọn cải trong khi có cả vườn táo trĩu quả đằng kia?”.
Thực ra chúng ta thường rất khó để nhận ra “Những hành động của ta nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không. Hãy nhớ điều đó, và nghĩ hai lần trước khi định làm bất cứ điều gì” – Louisa May Alcott từng nói.
Có những lúc vì do dự đứng núi này trông núi kia mà chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội như chú dê kia. Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng thoái bớt các khoản đầu tư ngoài ngành, tập trung nguồn lực vào những mảng kinh doanh cốt lõi thay vì đầu tư dàn trải như trước kia.
Rất nhiều doanh nghiệp được nhắc đến trong việc tái cơ cấu thời gian gần đây như Gelex hay GTNfoods, như FPT… Các doanh nghiệp này đang từng bước thoái vốn tại những mảng kinh doanh không cốt lõi.
Khác với trước đó thường xuyên “mở rộng” lĩnh vực hoạt động kinh doanh do ý nghĩ “đội bạn làm được cớ gì mình không thành công” – ý nghĩ này cũng như những chú dê, thấy rằng đằng kia cây táo ngon hơn, quả trĩu nặng hơn, lợi nhuận lớn hơn, mình cũng đủ sức vươn vai tới đó nên quyết đi ra khỏi khu vực kiếm ăn hiện có, bỏ qua món ăn dễ dàng để tìm kiếm lợi nhuận ở những lĩnh vực ngoài khả năng của mình.
Tất nhiên, mạo hiểm mới có thể thành công, nhưng mạo hiểm phải có cơ sở và phải tự tin vào quyết định của chính mình.
Hãy nhớ rằng “Mọi lựa chọn đều giá trị. Mọi bước đi đều quan trọng. Cuộc sống vẫn diễn ra theo cách của nó, không phải theo cách của ta. Hãy kiên nhẫn. Tin tưởng. Hãy giống như người thợ cắt đá, đều đặn từng nhịp, ngày qua ngày. Cuối cùng, một nhát cắt duy nhất sẽ phá vỡ tảng đá và lộ ra viên kim cương. Người tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm với việc mình làm không bao giờ bị chối bỏ. Sự thật là thế”.
Câu chuyện về bẫy gà tây cũng là một ví dụ. Câu chuyện này đã được nhắc đến rất nhiều trong các bài thuyết giảng của các giảng viên, nhà diễn thuyết, trong các buổi nói chuyện về kinh doanh, về đầu tư…
Chuyện kể rằng có một ông lão đang tìm cách bẫy lũ gà tây hoang dã. Ông ta có một cái bẫy rất thô sơ bao gồm một cái hộp lớn có cửa gắn bản lề ở trên đỉnh. Cánh cửa này được giữ mở lên bằng một thanh chống có cột đoạn dây nối dài khoảng hơn 30m về phía sau tới chỗ người canh gác cái bẫy.
Một ít hạt bắp được rải dọc theo đường đi để nhử lũ gà tây vào bẫy. Sau khi đã vào trong, lũ gà phát hiện ở trong đó còn có nhiều bắp hơn và tranh thủ ở lại cố nhặt cho hết. Khi thấy chỗ gà chui vào bẫy đã đủ, ông lão sẽ giật thanh chống ra để cánh cửa sập xuống.
Một khi cánh cửa đã sập xuống, ông ta sẽ không thể mở nó trở lên mà không phải đi ra chỗ cái hộp và điều này đương nhiên sẽ làm lũ gà còn ẩn nấp bên ngoài bẫy sợ hãi và chạy mất. Thời điểm giật thanh chống ra là khi có nhiều gà tây nhất chui vào bẫy theo như mong đợi của người đi săn – và đây cũng là thời điểm nhận biết quyết định sáng suốt nhất của thợ săn gà tây.
Một ngày kia có 12 con gà chui vào bẫy của ông ta. Sau đó 1 con bước ra, còn lại 11 con. “Uổng quá, phải chi mình giật sợi dây khi còn đủ 12 con ở trong đó, “ông lão nghĩ, “mình sẽ chờ thêm 1 phút, có thể con kia sẽ quay trở vào”.
Trong khi ông lão đang chờ con gà tây thứ 12 quay lại, thêm 2 con nữa bước ra khỏi bẫy. “Đáng lẽ mình phải biết hài lòng với 11 con”, người đặt bẫy nghĩ. “Ngay khi một con nữa quay trở lại, mình sẽ giật dây”.
Thêm 3 con nữa bước ra ngoài, và người đàn ông vẫn chờ đợi. Đã từng chứng kiến 12 con gà tây trong bẫy của mình, ông không muốn về nhà với ít hơn 8 con gà. Ông không thể từ bỏ ý nghĩ rằng một vài con gà ban đầu sẽ quay trở lại. Đến khi cuối cùng chỉ còn một con gà tây duy nhất ở trong bẫy, ông ta nghĩ, “mình sẽ đợi tới khi nào nó đi ra hoặc một con khác bước vào, rồi mình sẽ về”. Con gà tây cô độc còn lại chạy vội theo đàn, và ông lão trở về trắng tay.
Trên thực tế đây là một câu chuyện ngụ ngôn đưa ra để liên hệ đến thực trạng hiện tại khi rất nhiều người thường “cố” mà không tìm thấy điểm dừng dẫn tới thiệt hại lớn trong đầu tư kinh doanh.
“Sau cơn mưa có thể sẽ có cầu vồng, hoặc mưa to hơn nhưng yên tâm bạn vẫn có chương trình dự báo thời tiết. Tuy nhiên dự báo cũng chỉ là… dự báo. Hãy trù liệu mọi khả năng có thể xảy ra dù là xấu nhất”.
Câu chuyện bẫy gà tây thường dùng để nhắc nhở các nhà đầu tư chứng khoán trong những thời khắc quan trọng cần có những quyết định dứt khoát, đúng đắn để tránh dẫn tới thua lỗ khó cứu vãn. Câu chuyện 12 chú gà vào bẫy, và lần lượt ra đi trước mắt thợ săn trong ánh nhìn hy vọng rồi chuyển sang nuối tiếc cũng như việc các nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu, thấy giá tăng, và tâm lý nhà đầu tư cứ chờ, chờ, chờ mãi không tìm thấy điểm dừng để chốt lãi.
Tuy nhiên, ngay khi cổ phiếu đó xuống giá, nhà đầu tư bắt đầu tiếc nuối, hy vọng nó chỉ xuống chốc lát lại lên ngay, và niềm hy vọng đó lại được nuôi dưỡng ở những phiên tiếp theo khi cổ phiếu tiếp tục mất giá, cho đến lúc những chú gà tây hoàn toàn thoát ra ngoài chiếc bẫy, nhà đầu tư bỗng giật mình nhìn lại và mọi thứ đã đi quá xa, không thể cứu vãn, đành chấp nhận gim hàng chịu lỗ.
Có câu chuyện ngụ ngôn rằng, có một con cáo đang bơi sang bên kia sông và sức của nó chỉ vừa đủ để bơi vào bờ – nó bị thương nhẹ và đã kiệt sức vì đã cố gắng bơi trên dòng nước chảy xiết . Ngay sau đó, một đàn ruồi hút máu đến xử nó nhưng nó vẫn nằm bất động, vẫn còn quá mệt để chạy khỏi chúng.
Đột nhiên một con nhím đến cạnh: “Hãy để tôi xua đuổi những con ruồi giúp anh nhé” – Nhím tử tế nói.
“Không không”, con cáo la lên, “đừng nhiễu loạn chúng! Cứ để chúng lấy những gì có thể. Nếu bạn xua chúng, đám ruồi đó một lần nữa sẽ tấn công và lấy thêm máu của tôi”.
Chịu đựng điều xấu đôi khi sẽ tốt hơn khi bạn phải đối diện với nguy cơ mà điều xấu đó đem lại. Vì thế, một khi thấy những chú gà tây đã bắt đầu rời bẫy của bạn, hãy nhanh chóng phán đoán tình hình để kéo sập bẫy xuống đúng lúc. Khi đó bạn vẫn còn cơ hội. Còn cứ cố xua luôn cơ hội đó, bạn sẽ chẳng thể lường trước được nguy cơ mà nó đem lại, cũng như bác thợ săn đành tay trắng ra về.
Theo Trí thức trẻ